Chuyển từ cơ chế “phí” sang “giá dịch vụ”
Chuẩn bị cho Báo cáo giám sát chuyên đề bằng hình ảnh tại kỳ họp, Thường trực HĐND thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp xây dựng phóng sự truyền hình phản ánh thực tế sinh động trình chiếu ngay tại phiên khai mạc kỳ họp, thể hiện rõ nét những đổi mới thực chất trong hoạt động giám của HĐND thành phố.
Trong suốt 2 tháng (4 - 5.2023) vừa qua, Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND thành phố đã làm việc với 35 đơn vị. Trong đó, giám sát trực tiếp đối với 8 đơn vị; khảo sát thực tế đối với 6 đơn vị; giám sát qua báo cáo 16 đơn vị và 5 sở, ngành. Theo ghi nhận của Đoàn giám sát, mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh của thành phố được bao phủ rộng và đang từng bước phát triển theo hướng tiên tiến, hiện đại. Các quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện bảo đảm nghiêm túc, phù hợp thực tiễn. Chất lượng nguồn nhân lực; trình độ chuyên môn; tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế nâng lên rõ rệt.
Việc đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho một số cơ sở y tế công lập được quan tâm. Thành phố hiện có nhiều bệnh viện tư nhân đạt tiêu chuẩn cao về cơ sở hạ tầng và chất lượng. 100% cơ sở y tế trên địa bàn đều thành lập Hội đồng thuốc và điều trị; bảo đảm cung ứng thuốc, vật tư y tế đủ số lượng, chất lượng, đúng danh mục và giá trúng thầu của ngành; đủ thuốc và vật tư y tế phục vụ cho người bệnh… Sau 6 năm đi đầu thực hiện tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, kinh phí chi từ ngân sách Nhà nước giảm dần qua các năm. Chuyển từ cơ chế “phí” sang “giá dịch vụ” là bước đổi mới quan trọng nhất, trở thành điều kiện cơ bản để thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính của các cơ sở cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh; tăng sự lựa chọn cho người sử dụng dịch vụ…
Ban hành cơ chế, chính sách phát triển tổng thể ngành y tế
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát cũng chỉ rõ, nhân lực ngành y tế Hải Phòng vẫn còn những hạn chế, khó khăn, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ trở thành Trung tâm Y tế vùng Duyên hải Bắc bộ. Trong đó, số lượng nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập còn thiếu so với định mức tối thiểu của Bộ Y tế. Việc tuyển dụng bổ sung đội ngũ y bác sĩ còn khó khăn…
Hầu hết các cơ sở y tế công lập chưa đạt chỉ tiêu diện tích sàn bình quân (m/giường bệnh) theo các Tiêu chuẩn quốc gia. Trang thiết bị cơ bản tại các cơ sở y tế công lập đạt tỷ lệ thấp so với tiêu chuẩn, định mức; thiếu trang thiết bị hiện đại, chuyên sâu kỹ thuật cao… Đối với thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các bệnh viện công lập, phần lớn các cơ sở y tế (30/36 đơn vị) gặp nhiều khó khăn do chưa có đủ điều kiện, năng lực để thực hiện tự chủ toàn diện, nhất là khi giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chưa được tính đúng, tính đủ…
Từ thực tiễn qua giám sát, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu ban hành các quy định, chính sách bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân viên y tế. Nghiên cứu bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản hướng dẫn thi hành luật trong công tác mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất bảo đảm thống nhất với Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư và Luật Giá. Sớm xây dựng lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp y tế công lập để thực hiện chủ trương tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế kể cả giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có bảo hiểm y tế...
Đối với Thành ủy, HĐND thành phố, Đoàn giám sát kiến nghị chỉ đạo ban hành cơ chế, chính sách phát triển tổng thể Ngành Y tế thành phố để trở thành Trung tâm Y tế vùng Duyên hải Bắc bộ theo định hướng Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI; Nghị quyết 07-NQ/TU về xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành Trung tâm Y tế vùng Duyên hải Bắc bộ và Kết luận số 226-KL/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU. Trong đó, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế và phát triển nguồn nhân lực y tế. Dự kiến kinh phí ngân sách thành phố cần bố trí khoảng trên 400 tỷ đồng/năm.
UBND thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch, có lộ trình cụ thể thực hiện các biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế; rà soát, đánh giá thực hiện quy hoạch, mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh từ thành phố đến cơ sở. Sớm xây dựng, trình HĐND thành phố Đề án phát triển tổng thể ngành y tế với mục tiêu trọng tâm là đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế và phát triển nguồn nhân lực. Đẩy mạnh xã hội hóa; đa dạng hóa các hình thức hợp tác công - tư trong cung cấp dịch vụ y tế…
Cùng với đó, quan tâm, ưu tiên bố trí ngân sách phát triển y tế. Trước hết, tập trung đầu tư cho các cơ sở y tế cấp thành phố còn nhiều khó khăn, các cơ sở y tế tuyến huyện. Chỉ đạo giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế và thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, phân bổ thẻ BHYT. Đẩy mạnh cải cách TTHC; tăng cường thực hiện “chuyển đổi số” trong lĩnh vực y tế…